thiết bị thí nghiệm, bể rửa siêu âm, tủ sấy, tủ ấm, bể ổn nhiệt, máy ly tâm, lò nung, máy đục gỗ, máy cắt khắc cnc, máy đục tượng

  •    Tin tức

Ngành GTVT phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp


Sáng nay (22/8), Bộ GTVT long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. 

ới dự Lễ có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam; Đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam; Đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân Vận TƯ; Đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch nước CH XHCN Việt Nam; Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CH XHCN Việt Nam; Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Dự buổi Lễ còn có đông đảo các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

 

Ngành GTVT vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Tái hiện truyền thống 70 năm đi trước mở đường

Mở đầu buổi Lễ, tập thể nghệ sỹ Nhà hát Quân đội đã tái hiện lại Màn Sử thi “70 năm đi trước mở đường”, thể hiện 70 năm xây dựng và phát triển Ngành GTVT, gắn chặt với chiều dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Màn Sử thi đã tái hiện cả giai đoạn lịch sử, bắt đầu từ ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Giao thông công chính ngành GTVT bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào, một lòng một dạ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và lời chỉ dạy của Bác Hồ " giao thông đi trước mở đường", luôn nỗ lực phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vận mệnh của ngành luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc qua mỗi bước thăng trầm.

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, người lao động ngành GTVT đã hăng hái tham gia trực tiếp chiến đấu, đồng thời khẩn cấp vận chuyển sơ tán các cơ quan, công sở của Trung ương và địa phương vào vùng căn cứ kháng chiến. Hàng vạn tấn máy móc, thiết bị, chủ yếu được gồng gánh, mang vác hoặc vận chuyển bằng các loại phương tiện thô sơ như xe kéo, thuyền bè, đã được bảo toàn nguyên vẹn để phục vụ kháng chiến lâu dài. Khi Đảng đề ra chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, cán bộ GTVT là những người đi đầu trong việc phá hủy cầu, đường nhằm ngăn chặn hiệu quả bước tiến của quân thù, làm thất bại ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch.

Cũng chính lực lượng ấy, khi kháng chiến chuyển sang giai đoạn phản công, đã lại dốc sức gấp rút xây dựng, khôi phục các tuyến giao thông vừa tiêu thổ, làm mới thêm nhiều tuyến đường, cầu tạm, bến phà, tổ chức vận tải lương thực, vũ khí cung cấp cho chiến trường. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên phủ, ngành GTVT đã sát cánh cùng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đưa vũ khí hạng nặng, lương thực, thuốc men… vào chiến trường. Hình ảnh những đoàn xe thồ nối đuôi nhau vượt qua đèo cao, suối sâu, trong mịt mù lửa đạn, chịu mọi sự đói rét để vận lương tiếp tế cho Điện Biên phủ giành thắng lợi, sẽ mãi còn là hình ảnh cảm động, độc đáo nhất về tình thần thi đua yêu nước thời đại Hồ Chí Minh.


Màn Sử thi tái hiện truyền thống hào hùng của Ngành GTVT

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, mặc dù bị phân tán nguồn lực do chiến tranh, ngành GTVT tiếp tục tạo ra những kỳ tích mới. Chỉ trong vòng 10 năm, ngành đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ: Khôi phục hoạt động của 900 km đường sắt trên 5 tuyến trọng yếu; làm mới và khôi phục hơn 10.000 km đường bộ, 260.000 km đường giao thông nông thôn, miền núi; sửa chữa, duy tu gần 22 km cầu các loại; khởi công, hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều bến cảng, nhà ga cùng hàng vạn km đường sông. Những công trình này đã phục vụ kịp thời và đắc lực công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Những năm đầu thập kỷ 60, Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Chỉ trong vòng 10 năm, máy bay và tầu chiến Mỹ đã tập trung đánh phá trên 70 ngàn trận, ném 2,5 triệu tấn bom, 90 vạn quả đại bác cùng hàng ngàn quả thủy lôi hòng vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống giao thông vận tải, cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Cùng với cả dân tộc, ngành GTVT lại lao vào cuộc trường chinh đánh giặc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Các phong trào yêu nước “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... được dấy lên sôi nổi trong toàn Ngành. Lòng yêu nước được phát huy cao độ. Với khẩu hiệu vừa sản xuất, vừa chiến đấu, Lực lượng tự vệ Giao thông vận tải đã cùng vào trận đánh giặc trời, bắn rơi 95 máy bay địch các loại, phối hợp với các lực lượng khác bắt sống 18 giặc lái, rà phá hơn 16.000 bom từ trường. Cùng thời kỳ này, ngành Giao thông vận tải đã bổ sung lực lượng cho các vùng căn cứ cách mạng và vùng mới giải phóng ở miền Nam; tham gia làm nghĩa vụ quốc tế đối với hai nước bạn Lào, Campuchia.

Đáp lại lời kêu gọi của Đảng, hàng vạn cán bộ, công nhân viên ngành GTVT, TNXP đã lên đường đến với những chiến trường ác liệt nhất, xông ra tuyến đầu lửa đạn để giữ vững mạch máu giao thông đồng thời là hiện thân sống của một loại đường giao thông chỉ có ở Việt Nam, được tạo ra bằng chính xương máu của họ. Đã có gần 2.600 cán bộ, chiến sỹ giao thông vận tải hy sinh bởi bom đạn của kẻ thù, hàng vạn người trở thành thương bệnh binh, hàng chục vạn người người khác bỏ lại phần đời tươi đẹp nhất cùng những ước vọng giản dị nơi các chiến trường. Sự hy sinh của họ đã góp phần to lớn cho những chiến thắng vĩ đại của dân tộc và là hiện thân đẹp đẽ nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chiến tranh đã để lại ở cả hai miền một di sản hạ tầng đổ nát nặng nề. Trong tình cảnh bị cấm vận, bị kẻ thù bao vây, sản xuất đình đốn, nguồn lực thiếu trầm trọng, ngành GTVT phải chắt chiu từng đồng vốn, từng khoản viện trợ để làm cầu, mở những con đường mới. Phát huy truyền thống anh dũng trong chiến đấu, hàng vạn cán bộ, công nhân viên của ngành lại lên đường, đến với những nơi thâm sơn cùng cốc, ngày đêm miệt mài lao động và sáng tạo trong những điều kiện đói rét, bệnh tật, thiếu thốn trăm bề. Chính nhờ ở những nỗ lực phi thường ấy mà tuyến đường sắt Thống nhất dài trên 1700 km được khắc phục hoàn toàn chỉ sau 14 tháng thi công. Hàng loạt công trình giao thông quan trọng trong đó có cầu Thăng Long, cầu Chương Dương đã ra đời trong thời kỳ khó khăn đặc biệt này, tạo tiền đề để Thủ đô mở rộng, phát triển và liên kết với các địa phương khác.

Toàn ngành GTVT đồng tâm hiệp lực, cùng nhau dấn thân, tận hiến, hăng hái thi đua yêu nước

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT, đồng chí Đinh La Thăng, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh: Bước vào thời kỳ đất nước Đổi mới và Hội nhập, ngành GTVT đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có để lớn mạnh khi được xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển, mang tính mở đường và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Tại các Hội nghị lớn của Đảng từ khóa VI đến khóa XI, đều nhấn mạnh đến mục tiêu phải xây dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông phát triển nhanh và bền vững. Giao thông vận tải trở thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mang tính chiến lược.


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ôn lại truyền thống đáng tự hào của Ngành GTVT
và báo cáo trước đông đảo đại biểu dự buổi Lễ những thành tựu mà Ngành GTVT đã đạt được trong thời gian qua

Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó đề ra những mục tiêu trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Những mục tiêu trọng tâm này được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực chuyên ngành: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, với lộ trình và sự tập trung nguồn lực rõ ràng, minh bạch. Điều đó mở ra cho ngành GTVT những cơ hội rất lớn để tăng tốc nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Thách thức về nguồn lực hạn hẹp trước đòi hỏi lớn gấp bội của nhu cầu thực tế; thách thức nghiệt ngã về thời gian; thách thức về bản lĩnh lãnh đạo, đổi mới cơ chế; thách thức về khả năng vượt qua những cám dỗ vật chất; thách thức về năng lực quản lý, làm chủ công nghệ hiện đại…

“Để vượt qua những thách thức đó, cùng một lúc Bộ GTVT phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải như tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; tạo cơ chế thu hút đầu tư ngoài ngân sách; siết lại kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành; khắc phục căn bệnh nan y là trì trệ trong tư duy; xóa bỏ triệt để hiện tượng chậm tiến độ xảy ra tại hàng loạt công trình; khắc phục tình trạng trây ì trong giải phóng mặt bằng; tìm kiếm cán bộ có năng lực thông qua phát hiện, đào tạo, thi tuyển; chủ động liên kết mở rộng hợp tác quốc tế… Một lần nữa, tinh thần thi đua yêu nước đã phát huy tác dụng rất lớn, giúp cho toàn ngành nhanh chóng có được sự đoàn kết, thống nhất về ý chí cũng như mục tiêu hành động”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên giải quyết, trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả được xác định là nhiệm vụ chủ chốt. Cùng với việc tập trung sử dụng hiệu quả 155.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được giao cho giai đoạn 2011-2015, giải ngân 6,2 tỷ USD nguồn vốn ODA, Bộ GTVT đã chủ động kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong nước, huy động được trên 200 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách để hoàn thiện và đầu tư mới hàng trăm công trình hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như các tuyến đường bộ cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Nội Bài - Lào Cai; Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Nội Bài - Nhật Tân. Đầu tư, hoàn thành các cầu có quy mô lớn như Vĩnh Thịnh, Nhật Tân, Bến Thủy 2, Thuận Phước, cầu Rồng, nút giao Ngã Ba Huế, cầu Rạch Chiếc, Cổ Chiên, Năm Căn. Đầu tư, nâng cấp hoàn thành hàng loạt các công trình cảng biển, cảng hàng không như Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không Phú Quốc, Đà Nẵng, Vinh, Cần Thơ, Cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Đặc biệt là dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và nâng cấp lên 4 làn xe toàn tuyến Quốc lộ 1 từ Hà Nội đến Cần Thơ là hai dự án lớn, rất phức tạp nhưng đều lần lượt vượt tiến độ là 18 tháng và 12 tháng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 10 ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được khoảng hơn 134.000 km đường giao thông nông thôn, hàng nghìn cầu dân sinh bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.

Lần đầu tiên, để tri ân quá khứ, có cả một phong trào xã hội rộng lớn được phát động đến từng cán bộ, công nhân viên, với việc cho ra đời Quỹ xã hội - từ thiện Công đoàn GTVT. Sau một thời gian ngắn, Quỹ đã nhận được số tiền từ lòng hảo tâm lên tới hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng hơn 700 căn nhà tình nghĩa, nhà mái ấm cho các cựu TNXP và công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng gần 4.000 sổ tiết kiệm cho cựu TNXP, cựu chiến binh, cựu tù chính trị; thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà bằng nhiều hình thức cho trên 50.000 cựu Thanh niên xung phong, công nhân lao động và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đồng bào nghèo, những gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các địa phương trên toàn quốc.

“Có thể khẳng định, nếu không có sự hậu thuẫn về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, với sự đồng thuận cao của nhân dân, nếu không mạnh mẽ thay đổi với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ không bao giờ có được mạng lưới giao thông như hiện chúng ta đang khai thác cùng với cả một danh sách dài khác về những công trình sẽ được khởi công, hoàn thành trong vài năm tới. Những công trình đó đã góp phần rất lớn cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, đảm bảo an ninh - quốc phòng và đưa nước ta từ vị trí 103, lên vị trí 74 (tăng 16 bậc so với năm 2012 và 29 bậc so với năm 2010) về năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2014. Hệ thống giao thông Việt Nam từ chỗ biệt lập, manh mún, giờ đây đã có thể tự tin kết nối với khu vực và thế giới, thậm chí nhiều lĩnh vực còn có mức độ tăng trưởng hàng đầu như lĩnh vực hàng không. Sự kết nối này sẽ còn rộng lớn và hiệu quả hơn bằng một kế hoạch đầy tham vọng trở thành điểm trung chuyển của khu vực trong một tương lai không xa, nếu chúng ta có quyết tâm đủ lớn và tiếp tục tạo được niềm tin với Đảng và nhân dân”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Tại buổi Lễ, Bộ trưởng cũng cho biết, trong suốt bảy thập kỷ hình thành và phát triển, ngành GTVT đã nhận được Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và rất nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước, ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành.

Riêng giai đoạn 2011-2015, Ngành GTVT đã có 01 tập thể được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; 37 tập thể và 16 cá nhân được tặng Huân chương Độc lập các hạng; 107 tập thể và 249 cá nhân được tặng Huân chương Lao động các hạng; 03 tập thể và 01 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 03 tập thể được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 34 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 691 tập thể, 679 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 304 tập thể được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bộ GTVT đã tặng thưởng nhiều danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Giao thông vận tải và Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Những sự ghi nhận đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho mỗi cán bộ, công nhân viên của ngành. Chúng ta cảm ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu đã luôn là nguồn ánh sáng lý tưởng để mỗi người chúng ta hướng tới, đi theo, là cảm hứng lớn để chúng ta chiến đấu, hy sinh, cống hiến cho đất nước. Chúng ta cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp giữa các Bộ, Ban, ngành, địa phương, sự yêu thương đùm bọc, tin tưởng của nhân dân cả nước. Đó là những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp ngành GTVT có được bề dày thành tích và sự vững tin như ngày hôm nay. Chúng ta cảm ơn các thế hệ đi trước đã tận tâm tận lực, không tiếc mồ hôi, xương máu xây nên nền móng vững chắc và đã để lại cho chúng ta nguồn cổ vũ, động viên to lớn bằng những tấm gương hy sinh không gì có thể so sánh được. Cùng với những địa danh bất tử như Điện Biên phủ, đường số 4, Ngã ba Đồng Lộc, cầu Hàm Rồng, cầu Bến Thuỷ, ga Gôi, Truông Bồn, hang Tám Cô… là những tên tuổi sẽ còn lưu danh với lịch sử của ngành và đất nước. Đó là Ngô Gia  Khảm, Lê Minh Đức, Trương Sỹ, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Thị Lượng, Mẹ Suốt, Mai Xuân Điểm, Nguyễn Văn Ngũ, Đỗ Văn Ánh, Nguyễn Minh Ro. Đó là 10 nữ anh hùng đời đời gắn với địa danh Ngã Ba Đồng Lộc, là 13 anh chị TNXP ngã xuống tại Truông Bồn, là tập thể TNXP hy sinh ở hang Tám Cô… Và còn biết bao anh hùng, liệt sĩ vô danh khác đã hòa tên tuổi mình vào tên đất nước.

“Cũng như giờ đây, những gì chúng ta đạt được trước hết thuộc về công lao của hàng ngàn, hàng vạn người đang lặng lẽ lao động nơi chân trời góc bể, nơi rừng sâu nước độc, ngoài hải đảo xa xôi và đầy hiểm nguy. Phần lớn số họ chưa bao giờ và thậm chí cả đời cũng không có cơ hội một lần được ngồi trong căn phòng này để nghe chúng ta nói về lòng yêu nước, thứ tình cảm mà họ thể hiện ngày ngày bằng hành động và thông qua những hành động. Điều đó nhắc nhở mỗi người trong chúng ta rằng, phong trào thi đua yêu nước cần phải đi vào thực chất, bằng từng hành động cụ thể, bằng những việc làm ích nước lợi dân chứ không phải bằng những lời nói”, Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ.

Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu toàn thể CNCNVC-LĐ Ngành  GTVT không chấp nhận trì trệ, tìm mọi cách để vượt qua khó khăn là thi đua yêu nước; thương yêu chia sẻ trách nhiệm để cùng hoàn thành nhiệm vụ là thi đua yêu nước; tiết kiệm, liêm chính, trung thực trong công việc cũng như trong cuộc sống là thi đua yêu nước; đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, nhớ ơn và tri ân quá khứ là thi đua yêu nước; duy trì kỷ luật lao động, không để thất thoát tài sản nhà nước, không làm những việc gian dối… là thi đua yêu nước; không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo làm lợi cho xã hội là thi đua yêu nước… Nội dung của phong trào vĩ đại này vô cùng phong phú, sinh động và đòi hỏi ở mỗi người một quá trình lao động, học tập, rèn luyện, tu dưỡng không ngừng, phấn đấu hy sinh không ngừng, suốt cả cuộc đời.

“Bởi vì mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng được cả xã hội ghi nhận, nhưng so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, so với mục tiêu mà đất nước hướng tới, so với chính mong muốn của chúng ta, thì hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay vẫn chưa đáp ứng được. Chúng ta vẫn còn canh cánh món nợ lớn với nhân dân về một tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hệ thống hạ tầng hiện tại cần phải hiện đại hơn nữa, thuận tiện hơn nữa, an toàn hơn nữa, đa dạng và tiết kiệm hơn nữa. Đó là điều quan trọng nhất chúng ta cần phải chân thành và thẳng thắn nói với nhau trong mỗi dịp quan trọng như thế này, để mỗi Đại hội thi đua yêu nước trở thành nơi hội tụ những khát vọng phục vụ Tổ quốc và nhân dân của tất cả chúng ta”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

“Với tinh thần đó, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, tôi kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành GTVT hãy đồng tâm hiệp lực, cùng nhau dấn thân, cùng nhau tận hiến, cùng nhau hăng hái thi đua yêu nước, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển ngành Giao thông vận tải đi trước một bước theo hướng đồng bộ, hiện đại, với mục tiêu chung“Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Đảng.

Phát buổi tại buổi Lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước Ngành GTVT, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn thay mặt cho các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ GTVT đã ôn lại quá khứ vẻ vang của Ngành.


Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn khẳng định: Chúng tôi, những cán bộ lớp trước
của ngành GTVT luôn dõi theo và tự hào với những thành quả đó.

Nguyên Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn cũng nói, kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 11, từ năm 2011 đến nay, Ngành GTVT đã và đang thực hiện một trong 3 khâu đột phá đó là cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông để thúc đẩy các nền kinh tế phát triển, đưa nước ta cơ bản trở thành nước hiện đại vào năm 2020. 4 năm qua, nhiều lĩnh vực công tác của ngành GTVT được xếp hạng cao, thậm chí dẫn đầu các bộ, ngành, đặc biệt công tác ATGT có chuyển biến tích cực, lần đầu số người chết vì TNGT đã giảm xuống 9000 người; các phong trào thi đua lao động sản xuất được nâng cao trên khắp các nhà máy, công trường… Từ đó, nhiều công trình lớn, minh chứng cho sự phát triển của Ngành GTVT được xây dựng, thay đổi hoàn toàn diện mạo GTVT của đất nước. Chúng tôi, những cán bộ trước của ngành GTVT luôn dõi theo và tự hào với nhưng thành quả đó.

Không chỉ có vậy, lãnh đạo, CBCNV-LĐ ngành GTVT còn quan tâm đến công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, hàng ngàn sổ tiết kiệm, hàng trăm căn nhà tình nghĩa được trao cho các gia đình cựu TNXP và cán bộ CNV-LĐ ngành GTVT có hoàn cảnh khó khăn… làm ấm lòng các thế hệ đi trước, yên lòng những CBCNV-LĐ trong Ngành GTVT đã không tiếc tuổi xuân, hy sinh vì Ngành, vì Tổ Quốc.

Cũng trong Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Ngành GTVT và Đại hội thi đua yêu nước, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Lãnh đạo và CBCNV-LĐ ngành  GTVT.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng trao Huân chương trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì cho Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huân chương Độc lập Hạng Ba cho Công ty Hoa tiêu thuộc Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Bắc; trao tặng cho 9 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất, Nhì, Ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2010-2015.

Cụ thể: Huân chương Lao động hạng Nhất được trao tặng cho các ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông; Thân Hóa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty 545 (Cienco5).


Hai tập thể và 9 cá nhân vinh dự được nhận
Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2010-2015

Huân chương Lao động hạng Nhì dược trao tặng cho các ông: Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT; Phạm Chí Dân, Phó Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam; Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Ban QLDA2.

Huân chương Lao động hạng Ba được trao cho các ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ; Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT, ông Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch Công đoàn cơ quan Bộ GTVT.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng trao tặng Bằng khen cho 363 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2010-2015.

Đảng, Nhà nước đánh giá cao thành tựu của Ngành GTVT

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà ngành GTVT đã đạt được trong suốt 70 năm qua. Phó Thủ tướng cho biết, trong suốt chặng đường 70 năm, ngành GTVT đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự phát triển của đất nước, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đất nước.

“Trong mỗi giai đoạn cách mạng, ngành GTVT luôn thực hiện tốt vai trò tiên phong, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng, trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước, cán bộ công nhân viên, thanh niên xung phong ngành GTVT đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ chiến đấu hy sinh đóng góp xứng đáng vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Chúng ta vô cùng xúc động và tự hào vừa được ôn lại những thước phim lịch sử về những giai đoạn cách mạng hào hùng của đất nước, trong đó có sự đóng góp rất đáng tự hào của ngành GTVT.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Đảng, Chính phủ đánh giá cao thành tựu của Ngành GTVT

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, bằng trái tim, khối óc và bằng cả tính mạng của mình, cán bộ, công chức, TNXP ngành GTVT … đã xây dựng, bảo đảm giao thông thông suốt cho biết bao con đường hướng ra tiền tuyến và đóng góp vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, đã làm nên bao nhiêu kỳ tích, bao nhiêu huyền thoại và làm nên thiên anh hùng ca GTVT.

Theo Phó Thủ tướng, sau ngày đất nước thống nhất, ngành GTVT lại tiếp tục đoàn kết một lòng, lao động sáng tạo vượt qua mọi khó khăn thử thách, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục lại toàn bộ mạng lưới GTVT của cả nước và đóng góp vào sự phát triển KTXH của mọi vùng trên cả nước. Bước đầu chúng ta đã hoàn chỉnh đồng bộ được hệ thống giao thông như đường quốc lộ, đường ven biển, đường tỉnh lộ, ven biển, ven xã, góp phần cứng hóa GTNT, đưa đường vào trung tâm thị xã…

Ngành GTVT là một trong những ngành đi đầu trong thực hiện Nghị quyết số 13 của BCH trung ương Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Không chỉ tạo nên bộ mặt mới cho hệ thống kết cấu hạ tầng mà quan trọng hơn tạo nên sự thay đổi về nhận thức trong việc vận dụng cơ chế thị trường trong huy động và sử dụng các nguồn lực, qua đó đã huy động được nguồn vốn đáng kể từ doanh nghiệp, từ người dân trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT.

Trong thời kỳ nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, ngành GTVT đã tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại cả song phương lẫn đa phương trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ góp phần xây dựng đất nước mà còn góp phần củng cố môi trường hòa bình, tin cậy, tăng cường sự quan hệ của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.

"Chúng ta rất vui mừng nhận thấy trong 5 năm qua, qua phong trào thi đua trong công tác học tập, lao động, sản xuất, hàng trăm tập thể và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc của ngành GTVT đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý. Ngày hôm nay, với thành tích xuất sắc giai đoạn 2011 – 2015, ngành GTVT được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất", Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, để tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang của mình, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT tiếp tục phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về sứ mệnh đi trước mở đường, phát triển mạch máu giao thông của Tổ quốc.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020), trong đó đã đề ra những mục tiêu trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu nước ta cơ bản đạt được quy mô và trình độ của nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm đó là:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật chuyên ngành GTVT, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu gắn với quyết tâm cải cách, nhất là cải cách hành chính, đổi mới công tác cán bộ, chế độ công vụ, công chức trên mọi lĩnh vực của ngành.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực GTVT. Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, công tác quản lý, bảo trì, khai thác KCHTGT cũng phải tiếp tục phải đổi mới, nhằm không ngừng nâng cao năng lực và chất lượng của hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam.

Ba là, tăng cường quản lý hoạt động vận tải với các giải pháp đồng bộ như siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý, nâng cao năng lực, hiệu quả của các phương thức vận tải. Tiếp tục phối hợp với các địa phương, các bộ ngành liên quan để đẩy mạnh và làm tốt công tác bảo đảm TTATGT, quyết tâm kéo giảm TNGT hàng năm trên cả ba tiêu chí.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa được cải thiện, phát triển, bảo đảm đời sống việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và hoàn thành nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.

Năm là, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 với các nội dung, nhiệm vụ thiết thực, có ý nghĩa để tiếp tục đổi mới toàn diện và không ngừng phát triển ngành GTVT một cách bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm lo, nâng cao đời sống, bảo đảm việc làm cho công chức, viên chức và người lao động toàn ngành; đẩy mạnh các công tác đền ơn, đáp nghĩa và các hoạt động xã hội – từ thiện.

Ngành GTVT sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ GTVT và hơn 20 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT, đồng chí Bí thư Đảng uỷ Đảng bộ, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo, Nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Lãnh đạo, Nguyên Lãnh đạo các Ban, bộ, ngành của Trung ương, của các tỉnh thành phố và các vị khách Quốc tế và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, ủng hộ, chia sẻ của các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân các địa phương trên cả nước; sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế; sự đồng thuận, ủng hộ của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với ngành GTVT.

“Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Bộ GTVT xin nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo và sẽ quán triệt tới các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành để xây dựng những chương trình hành động cụ thể và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện để ngành đạt được kết quả cao hơn trong giai đoạn tới phục vụ tốt hơn mục tiêu phát triển KT-XH, đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định: Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT xin hứa với Đảng, Nhà nước và Nhân dân: sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, với truyền thống 70 năm đi trước mở đường là động lực tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách; toàn ngành tập trung cao độ sức lực và trí tuệ, gắn với các phong trào thi đua yêu nước trong công tác, trong lao động sản xuất và học tập để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác, quyết tâm xây dựng ngành GTVT phát triển toàn diện, xứng đáng với vai trò đi trước mở đường, góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; Tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chung sức, đồng lòng theo Đảng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, xây dựng đất nước ta theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã chọn.

Nguồn tin: Website Bộ GTVT



Liên kết website