thiết bị thí nghiệm, bể rửa siêu âm, tủ sấy, tủ ấm, bể ổn nhiệt, máy ly tâm, lò nung, máy đục gỗ, máy cắt khắc cnc, máy đục tượng

  •    Tin tức

Hội nghị sơ kết thực hiện chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước cảng biển


Ngày 30/9, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Thông tư 25/2013/TT-BGTVT về chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng biển, cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải. Đồng chí Nguyễn Văn Công - Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT đã dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND và cơ quan chức năng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Đồng Nai; cơ quan chức năng thuộc Bộ Xây dựng; các Vụ, Ban tham mưu thuộc Bộ GTVT; Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan, các Cảng vụ hàng hải; các Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Bắc, miền Nam cùng với 15 nhà đầu tư đã và đang tham gia thực hiện các dự án xã hội hóa bảo trì trong lĩnh vực hàng hải.

Nhu cầu nạo vét các tuyến luồng hàng hải hàng năm là rất lớn

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay, Bộ GTVT đang quản lý 42 tuyến luồng hàng hải và các khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển. Đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch nên hàng năm nhà nước có trách nhiệm nạo vét, duy tu theo chuẩn tắc thiết kế để bảo đảm giao thông hàng hải. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước hiện rất khó để bố trí thực hiện đầy đủ và đúng chuẩn tắc thiết kế và cũng chỉ có thể thực hiện nạo vét từ 12 - 20 tuyến luồng, không có kinh phí nạo vét các tuyến luồng khác cũng như khu neo đậu, chuyển tải, tránh trú bão.

Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã chấp thuận 22 dự án cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể có 05 dự án đã triển khai; 06 dự án đã được phê duyệt chuẩn tắc, đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công; 11 dự án đã chấp thuận chủ trương, đang lập hồ sơ đề xuất thực hiện dự án.

Hiện nay, yêu cầu về nạo vét các tuyến luồng hàng hải hàng năm nhằm bảo đảm an toàn giao thông hàng hải và tiêu thoát lũ là rất lớn trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế. Vì vậy, việc xã hội hóa, tiến hành thực hiện nạo vét, duy tu luồng kết hợp tận thu sản phẩm trên các tuyến luồng đường thủy là phù hợp với chủ trương, chính sách và pháp luật của nhà nước. Các tuyến luồng hàng hải và khu nước, vùng nước đã chấp thuận thực hiện dự án xã hội hóa cơ bản là các khu vực từ trước đến nay không bố trí hoặc ít khi bố trí kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện nạo vét, duy tu nên việc xã hội hóa sẽ góp phần thông luồng luồng, tạo thuận lợi cho giao thông hàng hải, góp phần bảo đảm an toàn hàng hải. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cơ bản đã cố gắng tiến hành các thủ tục để có thể thực hiện dự án. Đã có 05 dự án tiến hành thi công nạo vét và 06 dự án hoàn thành thủ tục để thi công từ cuối năm 2014, đầu năm 2015. Tuy nhiên, hiện phần lớn các dự án chưa thi công nên chưa đạt hiệu quả mục tiêu thông luồng đề ra.

Thông tư số 25/2013/TT-BGTVT tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia các dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm

Theo đánh giá của Cục Hàng hải VN, Thông tư 25 ra đời tạo ra hành lang pháp lý đối với thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm; thủ tục đăng ký thực hiện dự án và phê duyệt chuẩn tắc thiết kế luồng trong thời gian nhanh gọn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục để triển khai; sản phẩm tận thu từ các dự án nạo vét luồng hàng hải đã được sử dụng trong nước hoặc xuất khẩu, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tăng tính hiệu quả kinh tế - xã hội; quy định rõ trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm từ khi đăng ký thực hiện dự án đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng; đồng thời tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm; khuyến khích được nhà đầu tư tham gia vào công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, việc triển khai các dự án nạo vét luồng hàng hải tận thu sản phẩm theo chủ trương của cơ quan quản lý nhà nước đã hạn chế được hiện tượng khai thác cát trái phép, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng hàng hải.

 “Chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải là chủ trương thiết thực mang lại lợi ích lớn cho đất nước và ngành giao thông vận tải. Nhu cầu vốn đầu tư nạo vét cửa luồng nhằm duy tu các tuyến luồng hàng hải là rất lớn trong khi đó kinh phí ngân sách dành cho đầu tư nạo vét còn hạn chế. Do vậy, việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác đầu tư nạo vét được coi là giải pháp cấp bách và phù hợp” - Đại diện Công ty Cổ phần Bình Minh Vàng (nhà đầu tư) đánh giá.

“Việc chủ trương cho các doanh nghiệp thực hiện triển khai các dự án của Bộ GTVT theo hình thức xã hội hóa, tận thu sản phẩm, lấy thu bù chi theo tôi là một chủ trương rất đúng đắn; thực hiện tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách Nhà nước. Đây là hình thức mới  và tất cả các doanh nghiệp hiện đang thí điểm đăng ký thực hiện rất dũng cảm, vì rất nhiều khó khăn; các doanh nghiệp xắn tay cùng Bộ GTVT để chia sẻ khó khăn của Nhà nước cũng như ngân sách thì tôi cho rằng đáng được kính nể, đáng được hoan nghênh...” - Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng (nhà đầu tư) nhận định.

Tại Hội nghị, đại diện các nhà đầu tư trình bày báo cáo tham luận đánh giá kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa Dự án nạo vét thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu tại cửa sông Gianh tỉnh Quảng Bình, Dự án xã hội hóa nạo vét tuyến luồng hàng hải Bến Thủy Cửa Hội...; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục một số khó khăn, vướng mắc còn tồn tại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án phục vụ xã hội có hiệu quả, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng hàng hải.

Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước cảng biển

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh vai trò của chủ trương xã hội hóa để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

“Trong ngành Hàng hải, hầu hết các dự án cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng, chúng tôi đang xây dựng Đề án Phát huy các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải; đưa ra các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực. Trong lĩnh vực nạo vét luồng hàng hải, thực chất Bộ GTVT đã làm nhiều năm nay, tuy nhiên trước đó không có một văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục cấp phép, quá trình kiểm tra giám sát các dự án này. Xuất phát từ nhu cầu thực tế cần huy động các nguồn lực xã hội để nạo vét luồng hàng hải, phục vụ cho các cảng biển trong khi không sử dụng nguồn vốn nhà nước và để tạo đảm bảo sự minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, cấp phép và hướng dẫn nhà đầu tư, tạo sự rõ ràng trong quá trình triển khai dự án, do vậy Bộ GTVT đã xây dựng Thông tư 25, đây là một văn bản hướng dẫn cụ thể, khá chi tiết để tạo sức hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết.

Thứ trưởng cũng khẳng định, qua ý kiến của đại biểu dự Hội nghị cho thấy chủ trương này là đúng đắn và cần tiếp tục, quá trình triển khai đã thu được những thành tựu nhất định. Nhiều dự án đã, đang và sẽ triển khai. Theo tính toán những dự án thực hiện trong năm 2014 và hoàn thành vào năm 2015 sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, có được các luồng phục vụ nhu cầu cho tàu bè ra vào, không những phục vụ cho chính các doanh nghiệp cảng mà còn phục vụ cho an ninh quốc phòng.

Thứ trưởng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục chủ trì tuyên truyền phổ biến rộng rãi về chủ trương của Bộ GTVT về xã hội hóa các dự án nạo vét luồng hàng hải không sử dụng ngân sách nhà nước; chủ động hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai các thủ tục cần thiết; nghiên cứu các nội dung của Thông tư 25 và các ý kiến đề xuất các đại biểu dự Hội nghị để đề xuất cải cách thủ tục hành chính để các trình tự , thủ tục triển khai được nhanh gọn, minh bạch hơn; đồng thời yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ chuẩn tắc luồng, không để nhà đầu tư lợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét khai thác cát trái phép, khi phê duyệt dự án phải cân nhắc thật kỹ về chuẩn tắc, chiều rộng luồng, luồng công vụ, khu chuyển tải, khu neo đậu...

Nguồn tin: Website Bộ GTVT.

Tại Hội nghị, đại diện các nhà đầu tư đều đánh giá cao tính thiết thực,
hiệu quả của chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị


Thông tin liên hệ

Số 01 Lô 11A Đường Lê Hồng Phong - Phường Đằng Hải - Quận Hải An - Hải Phòng

Điện thoại: +84-0225.3550 517

Fax: +84-0225.3550 797

Email: vms-north@vms-north.vn


Liên kết website